Hỗ trợ xuất khẩu bền vững: Cần giải pháp toàn diện
Phát biểu tại Hội nghị giải pháp tổng thể thúc đẩy năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, một nước không cân bằng xuất nhập khẩu hoặc nhập siêu cao là cội nguồn của lạm phát cao.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, 2017 là một năm đặc biệt thành công của xuất khẩu. Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD. Tính chung cả năm, xuất khẩu đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công Thương. Trong đó, xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 155,1 tỷ USD (bao gồm cả xuất khẩu dầu thô), tăng 22,8% so với năm 2016, chiếm 72,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đạt 59 tỷ USD, tăng 17,1%.
Khi xuất khẩu dựa vào nhóm hàng điện tử
“Tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Tuy nhiên, hàng loạt sự kìm hãm hoạt động xuất khẩu đã được các Hiệp hội ngành hàng nêu ra mong được tháo gỡ.
Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may cho biết, trong nội bộ ngành đang phát triển mất cân đối, khâu yếu nhất là thượng nguồn (kéo sợi, dệt vải, nhuộm hoàn tất), sợi sản xuất 1,4 triệu tấn/năm thì có đến 90% là xuất khẩu, song lại nhập khẩu 876 nghìn tấn trong năm 2017, nguồn vải cho may xuất khẩu chủ yếu là nhập khẩu tạo ra tình trạng nghẽn tại khâu dệt nhuộm.
Tỷ lệ tăng thêm của may xuất khẩu mới đạt khoảng 50%. Trong khi đó, từ bên ngoài, các hiệp định thương mại tự do (FTA) phần lớn đều áp dụng quy tắc xuất xứ. Một số nước gần đây tập trung hỗ trợ cho dệt may như Bangladesh giảm thuế TNDN từ 35% xuống còn 20%, thuế nhập khẩu sợi từ 10% còn 5%... EU vẫn đang áp dụng mực thuế suất 0% cho hàng dệt may nhập từ các nước như Campuchia, Myanmar, Hoa Kỳ cũng áp dụng thuế suất ưu đãi 0% cho Campuchia, trong khi dệt may Việt Nam vẫn phải chịu mức thuế bình quân 17,5% vào thị trường Hoa Kỳ và 9,6% vào thị trường EU…
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, xuất khẩu chuyển từ dựa mạnh vào dầu thô sang dựa mạnh vào nhóm hàng điện tử, chiếm tới 33% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nếu không tính 2 mặt hàng là điện thoại và máy vi tính, linh kiện điện tử, tăng trưởng xuất khẩu cả nước năm 2017 chỉ đạt 15,8%. Điểm đáng lưu ý là xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), do sản xuất và xuất khẩu của khối này lại phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu nên mỗi khi có biến động xảy ra đối với chuỗi cung ứng (vì chiến tranh thương mại, vì dịch chuyển chuỗi cung ứng dưới tác động của các FTA trên thế giới...), xuất khẩu của nước ta sẽ chịu tác động mạnh hơn.
Bên cạnh đó, mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thuỷ sản chưa cao, còn phụ thuộc nhiều vào khu vực châu Á (chiếm tới 52,7%),có một số mặt hàng còn phụ thuộc vào một thị trường duy nhất (sắn, cao su, thanh long…). Sản xuất một số mặt hàng nông, thủy sản còn manh mún, tự phát, dẫn đến có lúc không kiểm soát được nguồn cung dành cho xuất khẩu. Sản xuất manh mún khiến chất lượng nông, thủy sản không đồng đều, rất khó kiểm soát vấn đề an toàn và khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc. Vấn đề an toàn thực phẩm tuy được cải thiện so với trước đây nhưng chưa thật sự bền vững. Đây đó vẫn xuất hiện tình trạng sản phẩm xuất khẩu bị trả về do không đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm (thủy sản, hạt tiêu, gạo), ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu của hàng Việt Nam.
“Với nông sản, chúng ta đã làm tốt công tác đàm phán để cắt giảm thuế nhập khẩu trên thị trường ngoài thông qua các FTA song phương và đa phương. Tuy nhiên, việc đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng và quản lý an toàn thực phẩm còn hạn chế. Do vậy, nhiều mặt hàng dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% nhưng nông sản của ta vẫn chưa thâm nhập được (như sữa, thịt lợn, rau quả)”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.