Phiên giao dịch 29/5, giá dầu giảm do lo lắng về nhu cầu xăng của Mỹ, vàng, quặng sắt, ngũ cốc giảm, trong khi nhôm cao nhất trong gần hai năm.
Giá dầu giảm
Giá dầu giảm gần 1% do lo lắng về nhu cầu xăng của Mỹ và số liệu kinh tế yếu có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.
Lãi suất cao để giải quyết tình trạng lạm phát kéo dài có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu dầu mỏ.
Chốt phiên 29/5, dầu thô Brent giảm 0,62 USD hay 0,7% xuống 83,60 USD/thùng, trong khi dầu WTI giảm 0,60 USD cent hay 0,8% xuống 79,23 USD/thùng.
Niềm tin tiêu dùng của Mỹ bất ngờ cải thiện trong tháng 5 sau khi xấu đi trong 3 tháng liên tiếp trong bối cảnh lạc quan về thị trường lao động, nhưng lo lắng về lạm phát vẫn dai dẳng và nhiều hộ gia đình dự kiến lãi suất tăng vào năm tới.
Các nhà phân tích dự báo các hãng năng lượng bổ sung 1 triệu thùng xăng vào dự trữ của Mỹ trong tuần trước, trước khi bắt đầu vào cao điểm đi lại trong mùa hè, so với sụt giảm 200.000 thùng xăng trong cùng tuần năm ngoái và trung bình giảm 200.000 thùng trong 5 năm qua (2019 – 2023). Lo lắng về nhu cầu xăng khiến giá xăng kỳ hạn gần mức thấp nhất hai tháng.
Các nhà đầu tư chuyển sang chú ý tới việc công bố chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ trong tháng 4.
Trong một dự báo giá dầu thô sẽ tăng, giới phân tích dự đoán các công ty năng lượng đã rút 1,9 triệu thùng dầu thô của Mỹ ra khỏi kho dự trữ trong tuần trước, so với tăng 4,5 triệu thùng trong cùng tuần năm ngoái và trung bình tăng 1,1 triệu thùng trong 5 năm qua (2019 – 2023).
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dự kiến tăng 5% trong năm nay sau quý đầu mạnh, tăng so với dự báo trước đó tăng trưởng 4,6%. Tuy nhiên IMF dự đoán tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại trong những năm tới.
Vàng giảm do USD mạnh lên
Giá vàng giảm do USD mạnh hơn, lợi suất trái phiếu tăng và các bình luận cứng rắn từ một quan chức Cục Dự trữ Liên bang đã đè nặng lên tâm lý thị trường khi cơ quan này chuẩn bị công bố dữ liệu lạm phát của Mỹ.
Vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 2.342,8 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 đóng cửa giảm 0,6% xuống 2.341,2 USD/ounce.
USD tăng 0,4% so với các đồng tiền đối thủ, khiến vàng đắt hơn người giữ các ngoại tệ khác, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất một tháng.
Nhôm đạt cao nhất trong gần hai năm
Giá nhôm đạt mức cao nhất trong gần hai năm do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu mua vào từ các quỹ tăng vọt.
Nhôm giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 2% lên 2.783 USD/tấn, sau khi đạt đỉnh 2.787,5 USD, cao nhất kể từ ngày 9/6/2022.
Nhôm LME đã tăng 15% trong năm nay, so với đồng tăng 22%.
Quặng sắt tiếp tục giảm
Giá quặng sắt tiếp tục giảm phiên thứ 3 liên tiếp, do yếu tố cung cầu yếu lấn át việc có thêm kích thích bất động sản tại Trung Quốc.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên DCE giảm 1,83% xuống 884,5 CNY (122,09 USD)/tấn sau khi giảm hơn 2% trong phiên trước đó.
Tại Singapore quặng sắt giao tháng 6 giảm 0,08% xuống 117,8 USD/tấn.
Cao su Nhật Bản duy trì đà tăng
Giá cao su Nhật Bản tiếp tục chuỗi tăng phiên thứ 6 liên tiếp bởi giá dầu thô và cao su giao ngay tăng.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 1,2 JPY hay 0,35% lên 339,8 JPY (2,16 USD)/kg.
Cao su tại Thượng Hải giao tháng 9 tăng 175 CNY lên 15.445 CNY (2.131,08 USD)/tấn.
Đường giảm
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 0,38 US cent hay 2% xuống 18,35 US cent/lb.
Sản lượng đường tại trung nam Brazil vẫn tăng so với năm ngoái, mặc dù không đến mức như hồi tháng 4.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 1,8% xuống 543,4 USD/tấn.
Cà phê trái chiều
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 57 USD hay 1,4% lên 4.177 USD/tấn sau khi tăng gần 6% trong phiên trước đó.
Thị trường này được hỗ trợ bởi sản lượng của Brazil thấp hơn dự kiến và những lo ngại kéo dài về thời tiết khô hạn hồi đầu năm sẽ ảnh hưởng tới sản lượng tại Việt Nam.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 giảm 0,6% xuống 2,2945 USD/lb.
Ngô, lúa mì, đậu tương giảm
Giá ngô trên sàn giao dịch Chicago giảm do quá trình trồng trọt ở Mỹ nhanh chóng, thời tiết thuận lợi tại vành đai ngô và giá lúa mì giảm gây áp lực.
Ngô CBOT kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 7-1/4 US cent xuống 4,55-1/4 USD/bushel.
Lúa mì giảm do nhà đầu tư chốt lời sau khi giá tăng gần đây trong khi vẫn còn những câu hỏi xoay quanh việc liệu dự báo mưa tại Nga có ngăn cản triển vọng thu hoạch giảm ở nước xuất khẩu lớn nhất thế giới này không.
Lúa mì CBOT kỳ hạn tháng 7 giảm 7-1/2 US cent xuống 6,92-3/4 USD/bushel.
Đậu tương tiếp tục giảm do việc giao dịch kỹ thuật và báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy tiến trình trồng trọt nhanh chóng ở Midwest, Mỹ.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 7 giảm 15-1/2 US cent xuống 12,14 USD/bushel.
Tin tổng hợp, do Edu Trade biên soạn