Văn phòng của Thủ tướng Shehbaz Sharif vào hôm thứ Sáu cho biết, ông đã kêu gọi tái cơ cấu hội đồng lúa mì của Pakistan cũng như đề xuất các bước để tăng cường sản xuất lúa mì và các loại cây trồng khác, vài tuần sau khi nông dân nước này đã tiến hành biểu tình phản đối việc nhập khẩu lúa mì.
Trong năm nay, Pakistan đã chứng kiến các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần liền của nông dân ở Punjab, tỉnh lớn nhất đất nước và cũng là nguồn cung cấp lúa mì của quốc gia. Nông dân biểu tình nhằm yêu cầu chính phủ ngừng nhập khẩu lúa mì tràn lan trên thị trường trong thời điểm họ dự kiến sẽ có mùa màng bội thu.
Sản lượng lúa mì của Pakistan trong giai đoạn 2023-2024 đã đạt 31,4 triệu tấn so với 28,2 triệu tấn năm ngoái, đạt mức tăng trưởng 11,6%. Theo dữ liệu chính thức, cả nước có hơn 36 triệu tấn lúa mì dự trữ tính đến tháng 6, bao gồm cả lượng lúa mì dự trữ chuyển sang cho kỳ sau.
Lúa mì chiếm 9% trong tỷ trọng nền nông nghiệp Pakistan và đóng góp 2,2% vào tổng GDP. Loại lương thực này được thu hoạch ở Pakistan vào thời điểm từ tháng 4 đến tháng 6, với giai đoạn phát triển cây lúa mì cao nhất diễn ra từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3.
Chủ trì cuộc họp gồm các quan chức của Bộ an ninh lương thực quốc gia và các cơ quan khác, Thủ tướng Sharif đã ban hành chỉ thị mời các đại diện của Hệ thống quản lý và thông tin đất đai và Ủy ban nghiên cứu không gian và thượng tầng khí quyển (SUPARCO) tham gia vào hội đồng lúa mì.
“Các đại diện của nông dân nên được đưa vào hội đồng lúa mì,” văn phòng Thủ tướng đã trích dẫn tuyên bố của ông Sharif.
Thủ tướng kêu gọi các nhà chức trách đưa ra chiến lược thay thế để mua lúa mì và tham khảo ý kiến của Gilgit-Baltistan, Azad Kashmir và chính quyền tỉnh về vấn đề này.
Trong các cuộc biểu tình trước đó, nông dân cho biết việc nhập khẩu lúa mì vào nửa cuối năm 2023 và ba tháng đầu năm nay đã khiến lượng hàng hóa trong nước dư thừa, dẫn đến giá lúa mì giảm.
Dữ liệu chính thức cho thấy Pakistan đã chi hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu 3,5 triệu tấn lúa mì từ tháng 7 năm 2023 đến tháng 5 năm 2024.
Nông nghiệp là một trong những ngành có thu nhập cao nhất ở Pakistan, chiếm gần 23% GDP của đất nước.
Cre: UkrAgroConsult – biên soạn bởi EDU TRADE