Giá dầu thế giới đã tăng gần 3% vào ngày thứ Tư khi các nhà đầu tư lo ngại rằng xung đột ở Trung Đông có thể lan rộng sau vụ sát hại thủ lĩnh Hamas ở Iran, cùng với sự sụt giảm mạnh của nguồn dầu thô dự trữ trong kho ở Mỹ.
Giá hợp đồng tương lai dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu tăng thêm 2,09 USD, tương đương 2,66%, chạm mức 80,72 USD/thùng sau khi đóng cửa phiên giao dịch. Mặt hàng này đã hết hạn giao dịch vào ngày thứ Tư vừa qua và được ấn định cụ thể sẽ giao hàng vào tháng 9. Hợp đồng giao dịch tháng 10 của dầu Brent có vẻ sôi động hơn một chút khi đã tăng 2,77 USD lên 80,84 USD.
Giá hợp đồng tương lai dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ cũng đã tăng thêm 3,18 USD, tương đương 4,26%, khép lại phiên giao dịch ở mức 77,91 USD/thùng, mức tăng lớn nhất tính theo ngày kể từ tháng 10 năm 2023.
Tuy nhiên, kết thúc tháng 7, dầu Brent đã giảm gần 7% trong khi WTI giảm gần 4% so với tháng trước.
Dữ liệu từ chính phủ cho thấy nguồn dầu thô dự trữ của Mỹ đã giảm 3,4 triệu thùng trong tuần trước, cao gấp ba lần mức giảm 1,1 triệu thùng mà các nhà phân tích dự đoán trong cuộc khảo sát của Reuters. Nguồn dầu dự trữ đã giảm liên tục trong vòng năm tuần và cũng là chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 1 năm 2021.
Matt Smith, nhà phân tích dầu mỏ hàng đầu tại Kpler, cho biết: “Việc đẩy mạnh xuất khẩu đã giúp bù đắp hoạt động tinh luyện dầu còn hạn chế cũng như việc nhập khẩu dầu mạnh, dẫn đến nguồn dầu thô dự trữ giảm liên tục trong vòng năm tuần,” đồng thời ông Smith cũng nhận định báo cáo này có xu hướng “hơi hỗ trợ” cho giá dầu.
Ông cũng cho biết thêm: “Rủi ro địa chính trị vẫn là yếu tố chính thúc đẩy đà phục hồi giá dầu hiện tại.”
Vào ngày hôm trước, cả dầu Brent và dầu WTI đều giảm khoảng 1,4% và đóng cửa phiên giao dịch ở mức thấp nhất trong vòng bảy tuần trở lại đây, sau khi giá dầu đã giảm vào tuần trước nhờ hy vọng có thể thiết lập một thỏa thuận ngừng bắn tại dải Gaza nhằm làm hạ nhiệt tình hình căng thẳng ở Trung Đông cũng như những lo ngại về nguồn cung dầu tại đây.
Căng thẳng ở khu vực sản xuất dầu này đã “nóng lên” đột biến ngay sau khi có tin lãnh đạo của Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát ở Iran.
Sự kiện này xảy ra một ngày sau khi chính phủ Israel tuyên bố họ đã tiêu diệt chỉ huy cấp cao nhất của Hezbollah trong một cuộc không kích vào Beirut để trả đũa vụ tấn công bằng tên lửa vào Israel hôm thứ Bảy.
Ngoài ra, Mỹ cũng đã tiến hành một cuộc tấn công ở Iraq trong cuộc xung đột mới nhất ở khu vực này.
Gaurav Sharma, một nhà phân tích dầu mỏ tự do ở London cho biết: “Những diễn biến đột ngột và rủi ro địa chính trị gia tăng chỉ mang lại sự trợ giá tạm thời cho các loại dầu mỏ tiêu chuẩn. Trừ khi cơ sở hạ tầng dầu khí bị ảnh hưởng, đợt tăng giá mới nhất khó có thể kéo dài.”
Chỉ số đô la Mỹ (.DXY) giảm 0,4% cũng đã hỗ trợ giá dầu. Việc đồng đô la Mỹ yếu hơn có thể thúc đẩy nhu cầu về dầu bằng cách làm cho hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Những lo ngại về nhu cầu nhiên liệu ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, đã hạn chế mức tăng giá.
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 7 đã thu hẹp trong tháng thứ ba liên tiếp, theo khảo sát chính thức của các nhà máy công bố vào thứ Tư.
Năng lực sản xuất dự phòng dồi dào do các thành viên OPEC nắm giữ cũng gây một nguồn áp lực lên giá dầu.
OPEC+ dự kiến sẽ tuân thủ thỏa thuận sản xuất hiện tại và bắt đầu dỡ bỏ một số lệnh cắt giảm sản lượng từ tháng 10.
Các bộ trưởng hàng đầu của OPEC+ sẽ tổ chức một cuộc họp ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng JMMC trực tuyến vào thứ Năm.
Cre: Reuters – biên soạn bởi EDU TRADE