Giá dầu đã tăng vào hôm thứ Sáu nhưng dự kiến sẽ giảm tuần thứ 4 liên tiếp do các dấu hiệu tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu toàn cầu không đạt kỳ vọng đã lấn át lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung tại khu vực sản xuất dầu trọng điểm – Trung Đông.
Hợp đồng tương lai dầu thô Brent tăng 33 xu, tương đương 0,4%, lên 79,85 USD/thùng vào lúc 00:20 giờ GMT, sau khi giảm 1,5% trong phiên giao dịch trước, trong khi hợp đồng tương lai dầu thô WTI của Mỹ tăng 38 xu, tương đương 0,5%, lên 76,69 USD, sau khi giảm 2,1% vào thứ Năm.
Xét theo tuần, giá hợp đồng tương lai dầu thô Brent đang có xu hướng giảm 1,7%, trong khi giá hợp đồng tương lai dầu thô WTI dự kiến giảm 1,1%. Bốn tuần giảm liên tiếp này được coi là chuỗi giảm dài nhất đối với cả hai loại mặt hàng dầu tiêu chuẩn kể từ chuỗi giảm bảy tuần liên tiếp kết thúc vào đầu tháng 12 năm ngoái.
Các cuộc khảo sát hôm thứ Năm cho thấy hoạt động sản xuất dầu yếu đi trong tháng trước trên khắp Hoa Kỳ, Châu Âu và Châu Á đã làm tăng nguy cơ về sự yếu kém trong việc phục hồi kinh tế toàn cầu, từ đó ảnh hưởng đến việc tiêu thụ dầu.
Trong tuần này, dữ liệu kinh tế đáng thất vọng từ một trong những nước nhập khẩu dầu hàng đầu là Trung Quốc, đặc biệt là hoạt động sản xuất sụt giảm, đã gây áp lực lên giá cả và làm tăng thêm những lo ngại về sự tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu sau khi dữ liệu nhập khẩu và hoạt động tinh chế của tháng Sáu ở Trung Quốc thấp hơn so với năm ngoái.
Các nhà phân tích tại công ty tư vấn FGE cho biết: “Thị trường tiếp tục thận trọng với nhu cầu về dầu của Trung Quốc sau khi dữ liệu tháng 6 không đạt kỳ vọng.”
Theo dữ liệu do LSEG Oil Research tổng hợp, nhập khẩu dầu thô của châu Á giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm trong tháng 7 do nhu cầu về dầu suy yếu ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của FGE cũng lưu ý rằng, triển vọng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đang sáng sủa hơn, với sự gia tăng trong việc thực hiện mua sắm chiến lược và phục hồi công suất tinh chế dầu ở trong nước.
Các nhà đầu tư dầu mỏ cũng đang thận trọng theo dõi các diễn biến ở Trung Đông, nơi việc sát hại các thủ lĩnh cấp cao của các nhóm chiến binh Hamas và Hezbollah có liên kết mật thiết với Iran sẽ làm dấy lên lo ngại rằng khu vực này có thể đứng trước bờ vực của một cuộc chiến tranh toàn diện và có khả năng làm gián đoạn nguồn cung.
FGE cho biết: “Các sự kiện diễn ra trong tuần qua đã phá hủy hoàn toàn các nỗ lực về một cuộc đàm phán ngừng bắn đang diễn ra giữa Israel và Hamas, khiến cho viễn cảnh xung đột trên toàn khu vực đến gần hơn.”
Cre: Reuters – biên soạn bởi EDU TRADE