(PLO)- Việc giảm bớt áp lực từ những rào cản, quy định bất hợp lý sẽ giúp các doanh nghiệp tập trung vào việc phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn khẳng định Việt Nam đang nỗ lực cải cách thể chế, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế theo tinh thần “người dân, doanh nghiệp (DN) được làm những gì luật không cấm”, “cái gì không cấm thì để cho người dân, DN được phép làm và có không gian sáng tạo, đổi mới”…
Thiết nghĩ tinh thần này cần được áp dụng triệt để trong quá trình xây dựng hành lang pháp lý của các lĩnh vực. Đơn cử như trong việc xây dựng dự thảo Nghị định về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa (GDHH) do Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) soạn thảo.
Tạo không gian cho sáng tạo và phát triển
“Tạo không gian cho sáng tạo và phát triển” là một tư duy đổi mới, tầm nhìn cải cách cho một kỷ nguyên vươn mình của đất nước. Điều này không chỉ giúp nền kinh tế trong nước nói chung, các DN nói riêng chinh phục được thị trường trong nước mà còn góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế.
Dự thảo quy định Sở GDHH là pháp nhân nhưng cũng đồng thời quy định do công ty cổ phần hoặc công ty TNHH hai thành viên xin cấp phép thành lập.
Như vậy, có thể hiểu rằng Sở GDHH phụ thuộc vào pháp nhân tạo ra mình, không có tài sản độc lập, không tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, không có con dấu, mã số thuế riêng và không thể nhân danh chính mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Trong khi đó, “hoạt động Sở GDHH” là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Sự mâu thuẫn về địa vị pháp lý của Sở GDHH và hoạt động Sở GDHH khi trao cho Sở GDHH tư cách pháp nhân dẫn tới sự lúng túng cho cả DN lẫn các cơ quan quản lý về thuế, đầu tư…
Bên cạnh đó, dự thảo buộc DN hoạt động Sở GDHH phải thành lập Ủy ban kiểm soát dẫn đến cơ cấu tổ chức cồng kềnh, phạm vi hoạt động, trách nhiệm chồng lấn với HĐQT, Ban kiểm soát trong công ty cổ phần hoặc HĐTV của công ty TNHH hai thành viên trở lên.
Ở một góc khác, quy định này được xem là đã vi phạm quyền lựa chọn mô hình tổ chức của DN. Trên thực tế, ngoài thực hiện hoạt động Sở GDHH, DN còn có quyền kinh doanh nhiều ngành nghề khác. Việc buộc DN phải thành lập một đơn vị để kiểm soát riêng hoạt động Sở GDHH bên cạnh bộ máy quản trị vốn có của DN được tổ chức theo Luật DN sẽ làm phân tán nguồn lực, gia tăng chi phí vận hành, tuân thủ của DN.
Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước đã có đầy đủ công cụ để quản lý tiền kiểm lẫn hậu kiểm thông qua việc thẩm tra, thẩm định cấp phép và thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình hoạt động theo chức năng, thẩm quyền.
Dự thảo cũng quy định về “giấy phép thành lập Sở GDHH” trong khi Luật Thương mại không có khái niệm này. Thực chất đây chỉ nên là giấy phép hoạt động được cấp sau khi DN đã thành lập theo Luật DN.
Hay như thủ tục thông báo niêm yết hàng hóa thông thường trong dự thảo với yêu cầu về hồ sơ gồm nhiều tài liệu phức tạp kèm theo, đặc biệt là “Báo cáo đánh giá tác động trên thị trường của hàng hóa dự kiến niêm yết”. Báo cáo này yêu cầu DN phải đánh giá tác động lên cung cầu hàng hóa trong nước, khả năng thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nông sản và các biện pháp chống đầu cơ, thao túng giá, thúc đẩy cạnh tranh…
Nếu xét về tính khả thi thì yêu cầu này ngay cả đối với cơ quan quản lý nhà nước cũng không hề đơn giản khi phải có đủ công cụ, quyền lực và sự tham gia từ nhiều đơn vị, bộ, ngành mới có thể thực hiện được.
Dự thảo cũng đặt ra yêu cầu ký quỹ bằng tiền mặt ở mức rất cao, đồng thời phải duy trì số tiền này trong tài khoản phong tỏa trong suốt quá trình hoạt động. Rà soát hơn 100 ngành nghề có yêu cầu vốn pháp định hoặc ký quỹ hiện nay, chưa có ngành nghề nào lại đặt ra điều kiện ngặt nghèo, thiếu thuyết phục như vậy.
Ngoài ra, quy định yêu cầu cá nhân phải có chứng từ nộp thuế thu nhập cá nhân trong năm liền trước từ 100 triệu đồng trở lên để được tham gia kinh doanh cũng rất bất cập.
Thông lệ quốc tế trong lĩnh vực này hoặc quy định của pháp luật Việt Nam trong các lĩnh vực khác như kinh doanh bất động sản hoặc chứng khoán… cũng không có bất cứ quy định gì về việc lấy thu nhập của người tham gia thị trường làm điều kiện để tham gia giao dịch. Việc này sẽ tạo ra rất nhiều thủ tục và gánh nặng cho người dân tham gia giao dịch, cho cơ quan quản lý thuế, cho DN hoạt động trên thị trường và quan trọng nhất là không thực tế.
Dự thảo quy định về “giấy phép thành lập Sở Giao dịch hàng hóa” trong khi Luật Thương mại không có khái niệm này. |
Người dân, DN được làm những gì luật không cấm
Luật Đầu tư năm 2020 và mới đây là Nghị định 173/2024 đã bãi bỏ toàn bộ Phụ lục II (Danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh), Phụ lục III (Danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện) tại Nghị định 59/2006 hướng dẫn Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.
Tuy nhiên, nội dung dự thảo đặt ra điều kiện đối với việc niêm yết các loại hàng hóa trên Sở GDHH như: (i) chỉ cho phép Sở GDHH niêm yết giao dịch 5/36 mặt hàng thuộc nhóm kinh doanh có điều kiện (xăng dầu, khí, gạo, hàng thực phẩm đông lạnh, kim loại và hợp kim trừ vàng); (ii) chỉ cho phép thương nhân kinh doanh năm mặt hàng trên được giao dịch; hoặc quy định không cho phép DN vừa và nhỏ tham gia kinh doanh ở một số nội dung.
Điều này trái với quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh, đồng thời đi ngược lại tinh thần “người dân và DN được làm những gì luật không cấm”.
Bên cạnh đó, dù không thuộc phạm vi được Luật Thương mại giao quy định về các hành vi bị cấm, dự thảo nghị định đã đưa ra một số quy định về các hành vi cụ thể bị cấm trong hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH, thậm chí có xu hướng mở rộng các hành vi ngoài phạm vi của Luật Thương mại.
Dự thảo tiếp tục đặt ra nguyên tắc hoạt động và chức năng của Sở GDHH là đơn vị có lợi ích công chúng, hoạt động theo nguyên tắc ưu tiên lợi ích công cộng. Trong khi đó, Luật Thương mại không đặt ra chức năng này cho Sở GDHH, Luật Kiểm toán độc lập và Thông tư 183/2013 của Bộ Tài chính không quy định Sở GDHH là một đơn vị có lợi ích công chúng.
Cần làm rõ thêm là cả Luật Kiểm toán độc lập và Thông tư 183/2013 đều quy định đơn vị có lợi ích công chúng phải là công ty đại chúng, trong khi đó không phải công ty cổ phần nào cũng là công ty đại chúng.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và thị trường biến động liên tục, quan điểm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là hướng đến việc xây dựng một khung pháp lý thân thiện, tạo ra không gian cho sự sáng tạo và phát triển là kim chỉ nam cho hoạt động quản lý của các cấp, cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN đã rất rõ ràng. Do đó, việc giảm bớt áp lực từ những rào cản, quy định bất hợp lý sẽ giúp các DN tập trung vào việc phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường và đổi mới sáng tạo góp phần phát triển kinh tế đất nước mạnh mẽ và bền vững hơn.
Đề nghị bỏ quy định vượt rào
Bàn về các quy định còn bất cập trong dự thảo này, PGS-TS Đinh Dũng Sỹ (chuyên gia pháp lý) từng có bài viết “Đề nghị bỏ quy định vượt rào” trên báo điện tử Chính phủ. PGS-TS Đinh Dũng Sỹ đã có những phân tích sâu về những điểm hạn chế như nhiều khái niệm mới, không phù hợp, mâu thuẫn với luật; quy định quá ngặt nghèo, khắt khe, hạn chế quyền kinh doanh; dự thảo không có cơ sở pháp lý để quy định Sở GDHH là đơn vị có lợi ích công chúng và phải hoạt động theo nguyên tắc ưu tiên lợi ích công cộng; điều kiện thành lập Sở GDHH khá mù mờ, trừu tượng, khó xác định… Từ đó, PGS-TS Đinh Dũng Sỹ đưa ra các đề xuất cải cách cụ thể nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh thân thiện hơn như khuyến nghị xem xét lại nhiều quy định vượt rào, giảm thiểu các thủ tục hành chính và nâng cao tính minh bạch trong các quy định của dự thảo. |
Nguồn : Báo Pháp Luật