Search
Ngôn ngữ
Đại lý kinh doanh

Đại lý là một trong những hình thức kinh doanh trung gian thương mại, hoạt động chính là phân phối sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ ra thị trường. Đặc biệt, với những sản phẩm tiêu dùng nổi tiếng, hình thức đại lý kinh doanh lại rất phổ biến hiện nay.

 

1. Các hình thức đại lý

 

Đại lý thương mại là hoạt động trung gian thương mại, trong đó có bên giao địa lý và bên đại lý. Hoạt động đại lý được thực hiện dựa trên thỏa thuận về việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hóa cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.

 

Đại lý hoạt động dưới các hình thức sau:

 

- Đại lý bao tiêu là hình thức đại lý mà bên đại lý thực hiện việc mua, bán trọn vẹn một khối lượng hàng hoá hoặc cung ứng đầy đủ một dịch vụ cho bên giao đại lý.

 

-  Đại lý độc quyền là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định. Đây còn được gọi là đại lý cấp 1.

 

- Tổng đại lý mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ là hình thức đại lý mà bên đại lý tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý.

 

Tổng đại lý đại diện cho hệ thống đại lý trực thuộc. Các đại lý trực thuộc hoạt động dưới sự quản lý của tổng đại lý và với danh nghĩa của tổng đại lý.

 

-Các hình thức đại lý khác mà các bên thỏa thuận nhưng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.

 

 

2. Thù lao đại lý

 

Trong kinh doanh theo hình thức hợp đồng đại lý, bên đại lý thực hiện công việc nhân danh mình và được hưởng thù lao. Thù lao được chi trả theo hình thức hoa hồng hoặc chênh lệch giá.

 

- Thù lao chi trả theo hình thức hoa hồng (tính theo tỉ lệ phần trăm): nếu bên giao đại lý ấn định giá mua, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ.

 

- Thù lao chi trả theo chênh lệch giá: nếu bên giao đại lý không ấn định giá mua, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ mà chỉ ấn định giá giao đại lý.

 

Lưu ý: trường hợp các bên không thỏa thuận về mức thù lao đại lý thì được tính theo mức thù lao thực tế mà các bên đã được trả trước đó, hoặc dựa theo mức thù lao trung bình áp dụng cho cùng loại hàng hóa, dịch vụ mà bên giao đại lý đã trả cho các đại lý khác.

 

 

3. Quyền sở hữu đối với hàng hóa, dịch vụ

Bên giao đại lý là chủ sở hữu đối với hàng hóa hoặc tiền giao cho bên đại lý.

Tuy nhiên bên đại lý cần lưu ý về vấn đề chất lượng hàng hóa, chất lượng dịch vụ của bên giao đại lý. Trường hợp vi phạm pháp luật nếu có lỗi của bên đại lý thì phải liên đới chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ đó.

Ngược lại, bên giao đại lý cũng phải chịu trách nhiệm liên đới về hành vi vi phạm pháp luật của bên đại lý nếu nguyên nhân của hành vi vi phạm pháp luật đó có một phần lỗi của bên giao đại lý.

 

 

4. Thời hạn đại lý

 

Thời hạn đại lý chỉ chấm dứt sau một thời gian hợp lý nhưng không sớm hơn sáu mươi ngày, kể từ ngày một trong hai bên thông báo bằng văn bản cho bên kia về việc chấm dứt hợp đồng đại lý.

- Trường hợp bên giao đại lý thông báo chấm dứt hợp đồng thì bên địa lý có quyền yêu cầu bồi thường khoản tiền cho thời gian đã làm đại lý.

- Trường hợp bên đại lý yêu cầu chấm dứt hợp đồng đại lý thì không có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường cho thời gian làm đại lý.

 

 

5. Quy định về thuế đối với doanh nghiệp/ hộ kinh doanh hoạt động đại lý

 

Doanh nghiệp/ Hộ kinh doanh hoạt động đại lý, thực hiện các thủ tục về kê khai và nộp thuế theo quy định của pháp luật doanh nghiệp và pháp luật về thuế.

Qúy thành viên xem thêm chi tiết tại các công việc:

Xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh làm đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, bán hàng đa cấp.

Riêng đối với doanh thu và khoản thù lao đại lý được hưởng từ hoạt động đại lý bán hàng hóa, dịch vụ, bên đại lý không cần phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng vì những khoản này thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng.